Lượt xem: 2634

Học tập, làm theo chủ nghĩa nhân đạo Hồ Chí Minh

Nhân kỷ niệm lần thứ 131 năm ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2021), xin được bày tỏ đôi điều để học tập và khuyến khích mọi người cùng làm theo chủ nghĩa nhân đạo Hồ Chí Minh: Điều đó không chỉ nối lại và phát huy các đức tính truyền thống “thương người, thương dân” của dân tộcViệt Nam trong thời hiện đại ngày nay mà còn nâng cao giá trị của những người cách mạng theo chủ nghĩa Mác-Lênin và học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

 


Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh tư liệu TTXVN) 

 

    Đồng chí Trường Chinh viết “Một điều nổi bật trong đạo đức Hồ Chí Minh là lòng thương người”. Đồng chí nói rõ thêm rằng đó không phải là lòng thương trừu tượng, chung chung, mà cụ thể là lòng thương giai cấp vô sản, nông dân, nhân dân lao động, nhân dân bị áp bức bóc lột.

    Đồng chí Lê Duẩn nói: “Cuộc đời của Hồ Chủ tịch trong như ánh sáng, đó là tấm gương tuyệt vời về chí khí cách mạng kiên cường, tinh thần độc lập tự chủ, lòng nhân đạo và yêu mến nhân dân tha thiết, đạo đức chí công vô tư, tác phong khiêm tốn giản dị”, và “trái tim, khối óc của Người dành cho dân tộc Việt Nam cũng hướng về giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới”.

    Đồng chí Phạm Văn Đồng viết “Hồ Chủ tịch rất coi trọng con người bởi vì đó là vốn quý nhất. Cuộc chiến đấu và chiến thắng của dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước cũng như trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, chung quy là thắng lợi của con người, con người đó trước hết là một chiến sĩ cách mạng kiên cường, bất khuất, triệt để, vũ trang bằng học thuyết Mác-Lênin bách chiến bách thắng, luôn luôn trau dồi phẩm chất và đạo đức của mình”.

    Nhà thơ Tố Hữu trong bài Bác ơi:

         “Bác ơi, tim Bác mênh mông thế,

         Ôm cả non sông, mọi kiếp người”.

    Vì:

         Bác sống như trời đất của ta,

         “Yêu từng ngọn lúa, mỗi nhành hoa

         Tự do cho mỗi đời nô lệ,

         Sữa để em thơ, lụa tặng già”.

    Trả lời cho Báo Granma (CuBa), Hồ Chủ tịch nói: “Gộp những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi”.

    Quả thật điều nổi bật nhất trong đạo đức Hồ Chí Minh là lòng thương người, thương dân, thương đồng bào, thương cả nhân dân các dân tộc trên thế giới bị đế quốc tư bản áp bức và bóc lột.

    Tình thương đó biểu lộ rất sớm từ những ngày Bác Hồ làm thủy thủ đi khắp các nước vùng địa Trung Hải và hai bờ Đại Tây Dương, từ những ngày Bác Hồ sống ở kinh thành Pari, vừa lao động kiếm sống vừa hoạt động yêu nước. Hôm nay ta đọc lại những lời Bác Hồ viết tả cuộc khủng bố của bọn Mỹ da trắng K.K.K đánh giết người da đen theo kiểu Lynch, thì có thể thấy rằng tấm lòng của Bác rung động đến mức nào đứng trước sự tàn bạo ghê gớm ấy. Qua Mỹ mà con mắt không bị thu hút vào thần tượng tự do khổng lồ, vào các nhà chọc trời v.v… lại hết sức chú ý đến một nỗi áp bức mà người da đen và cả lao động người da trắng ở đó phải chịu đựng, rõ ràng là Người mang một lòng thương sâu sắc đối với nhân loại đau khổ, trong đó có dân tộc Việt Nam thuở ấy là một bộ phận. Ở kinh thành Pari hoa lệ mà Bác Hồ không ca tụng sự giàu sang, trái lại Bác Hồ lại viết thành truyện ký đăng báo Nhân đạo về cuộc sống điêu đứng của xóm nghèo, người nghèo, của ông lão mất con trong chiến tranh 1914 – 1918, lại mất sở làm sau chiến tranh, không còn có cách nào sống cho ra người. Chính vì trái tim của Bác Hồ hướng tới cách mạng tháng Mười Nga, một cuộc cách mạng của nhân dân lao động, chống đế quốc, tư bản, cho nên Bác Hồ chẳng những chủ trương đánh đổ thực dân Pháp giành độc lập cho dân tộc Việt Nam, mà còn chủ trương giải phóng cho nhân dân lao khổ; cho nên, trong đào tạo cán bộ, Bác Hồ yêu cầu mỗi người phải hòa mình với nhân dân, với những tầng lớp lao khổ nhất để mà giác ngộ họ và tổ chức họ; cho nên bản thân Bác Hồ đem lại tình yêu thương đối với tất cả, như đồng chí Phạm Văn Đồng viết “Bác Hồ là muôn vàn thương yêu đối với đồng chí đồng bào. Trong tình yêu thương đó, có chỗ cho mọi con người, không quên sót một ai, và sắp xếp cho mọi người vị trí chiến đấu cũng như lo lắng chu đáo cho mỗi người về việc làm, đời sống và học tập, vừa nghiêm khắc đòi hỏi, vừa thương yêu dìu dắt”.

    Đồng chí Hà Huy Giáp kể lại rằng “khi ngành văn hóa xin Bác Hồ lập nhà lưu niệm Bác ở Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An) và Pắc Pó (Cao Bằng) thì Bác trả lời “Các chú thương Bác thì nên lo lấy cái ở, cái ăn, cái mặc của bà con ở đấy. Dựng nhà lưu niệm tốt làm gì, nếu bà con ta ở các vùng này ăn chưa no, mặc chưa ấm, ở chưa sạch. Phải tổ chức nhà giữ trẻ cho tốt, phải xây dựng trường học, bệnh xá, phải chăm lo cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho bà con xã viên. Đó là cách lưu niệm tốt nhất”.

    Lòng thương của Hồ Chủ tịch đối với đồng bào là lòng thương sâu sắc như ruột thịt. “Người xưa nói: Có việc phải lo, lo trước thiên hạ; có việc đáng vui, vui sau thiên hạ”. Hồ Chủ tịch nói một cách giản dị và thống thiết hơn “Một ngày đồng bào còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”. Câu nói đó bộc lộ tâm trạng của người, mối tình cảm ruột thịt bao bọc trăm họ của đại gia đình Việt Nam. Đó là nét quan trọng của chủ nghĩa nhân đạo cộng sản mà Bác Hồ là người chiến sĩ Việt Nam tiêu biểu nhất. Như đồng chí Trường Chinh viết “Chủ nghĩa nhân đạo cộng sản Hồ Chí Minh là chủ nghĩa phấn đấu vì tự do và hạnh phúc của con người, tin ở lý trí và phẩm chất của con người, tạo mọi điều kiện cho con người thật sự làm chủ tự nhiên” (Trường Chinh: Tăng cường tính Đảng, đi sâu vào cuộc sống mới để phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng tốt hơn nữa).

    Nếu thương người mà than thở một cách bị động, tiêu cực, bất lực thì chưa phải là chủ nghĩa nhân đạo, chủ nghĩa nhân đạo đòi hỏi phải hành động, nhưng hành động phải có chiều sâu, không như cứu trợ… mà hành động đấu tranh giành tự do cho con người nô lệ, đem lại hạnh phúc cho những người khốn khổ. Nói tin ở lý trí con người cũng có nghĩa rằng chủ nghĩa nhân đạo cộng sản Hồ Chí Minh phân biệt rõ lòng tin và lòng thương người của tôn giáo, ở đó con người xem mình không tự giải phóng cho chính mình mà cần tới thượng đế, tới thánh thần, phật đà v.v… cứu độ. Ngược lại chủ nghĩa nhân đạo cộng sản Hồ Chí Minh cho rằng cách mạng hướng dẫn nhân dân, tổ chức nhân dân, làm cho nhân dân có ý thức về sức mạnh và vai trò lịch sử của mình, và làm cho con người chẳng những làm chủ vận mệnh mà còn làm chủ xã hội và thiên nhiên nữa. Tục ngữ có câu “Người ta, hoa đất”; đó là nói quý trọng con người; “Một mặt người hơn muôn mặt của”; đó là nói con người làm ra tất cả. Và “thương người như thể thương thân”, đó là chủ nghĩa nhân đạo truyền thống.

    Chủ nghĩa nhân đạo Hồ Chí Minh ngày nay đang thực hiện là sự tiếp nối và phát huy trên tầng cao vợi đức thương người, thương dân, truyền thống của dân tộc Việt Nam./.

Lê Trúc Vinh



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 107
  • Hôm nay: 7030
  • Trong tuần: 77,737
  • Tất cả: 11,801,057